Tóm tắt nội dung
Sản xuất công nghiệp, dịch vụ và đầu tư đều tăng trưởng khá trong 5 tháng đầu năm 2024. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5T2024 tăng 6.8% YoY trong khi cùng kỳ năm 2023 giảm 2%. PMI tháng 5/2024 vẫn duy trì mức 50.3 nhờ số lượng đơn hàng mới tăng. Khu vực dịch vụ duy trì sự phục hồi với doanh số bán lẻ 5T2024 tăng trưởng 8.7% YoY (cùng kỳ năm 2023 tăng 12.3%), nhờ sự đóng góp tích cực của lĩnh vực du lịch. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5T2024 đạt 305.5 tỷ USD (+16.6% YoY), cán cân thương mại hàng hóa vẫn xuất siêu được 8 tỷ USD dù thâm hụt trở lại 1 tỷ USD trong tháng 5/2024. Giải ngân vốn đầu tư công và FDI đều ghi nhận tăng trưởng, đạt lần lượt 7.6 tỷ USD (190.6 nghìn tỷ đồng, +5% YoY) và 8.3 tỷ USD (+7.8% YoY).
Kiểm soát lạm phát và điều hành linh hoạt tỷ giá. CPI tháng 5/2024 chỉ tăng nhẹ 0.05% so với tháng trước và tính chung 5T2024, CPI tăng 4.03% YoY, vẫn trong ngưỡng mục tiêu 4-4.5%. Tỷ giá có dấu hiệu ổn định hơn và tính đến cuối tháng 5/2024, VND trên thị trường tự do mất giá 4.4% YTD so với USD. NHNN đã thực hiện hàng loạt các giải pháp để ổn định giá trị tiền đồng. Áp lực tỷ giá sẽ vơi bớt trong nửa cuối năm 2024 nhờ triển vọng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn. ECB đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019 vào ngày 6/6/2024 trong khi FED kỳ vọng sẽ thực hiện 1 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay và 4 đợt tiếp theo vào năm 2025 với tổng mức giảm ước tính 1.25%.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phấn đấu đạt 5-6% vào cuối Q2 2024. Đây là chỉ đạo của NHNN trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm trong 5T2024, ước tính chỉ đạt 2.41% YTD, còn cách xa mục tiêu 15% của cả năm 2024. Thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản các thủ tục cho vay, tiết giảm chi phí, các ngân hàng có thể sẽ giảm lãi suất cho vay thêm 0.5-1% từ nay đến cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Số trang: 5
Ngôn ngữ:
Dạng tệp: pdf
Kích thước: 488.47 KB